Nhảy đến nội dung

"Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (Khoản 2, Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành). Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa" (Khoản 3 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành).

Đối tượng quyền tác giả: bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa (Khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành).

Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản:

Quyền nhân thân:

Quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, bao gồm các quyền sau đây:
  • Đặt tên cho tác phẩm. Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành;
  • Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
  • Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản:

Quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, bao gồm các quyền sau đây:
  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
  • Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (Sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành; sao chép tạm thời theo quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại).
  • Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối)
  • Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.

  • Quyền tác giả tạo ra các cơ chế bảo hộ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm bằng cách trao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả khả năng bảo vệ lợi ích của họ đối với tác phẩm.
  • Quyền tác giả giúp ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả như sao chép, cắt xén, phát hành đại trà, …mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Bằng cách này, quyền tác giả khuyến khích sự sáng tạo vì nó tạo động lực, kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của các cá nhân để sáng tác ra các tác phẩm mới đạt được lợi ích kinh tế trong quá trình khai thác, sử dụng và phục vụ nhu cầu xã hội loài người.
  • Trong nền kinh tế sáng tạo, vấn đề bản quyền, trong đó có quyền tác giả và quyền liên quan giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng đã và đang trở thành những điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế.
  • Vấn đề bản quyền được coi như động lực phát triển kinh tế tri thức ở mỗi quốc gia. Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền sở hữu cá nhân đối với các tác phẩm được bảo hộ, nó dành cho những người sáng tạo sự đảm bảo công bằng về giá trị của các tác phẩm trên thị trường. Đồng thời, thúc đẩy việc tạo ra các sản phẩm văn hóa một các bền vững và hỗ trợ thị trường, mà thông qua đó người tiêu dùng có thể tiếp cận và hưởng thụ các sản phẩm.

Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả:

  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
    • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
    • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
    • Tác phẩm báo chí;
    • Tác phẩm âm nhạc;
    • Tác phẩm sân khấu;
    • Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
    • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
    • Tác phẩm nhiếp ảnh;
    • Tác phẩm kiến trúc;
    • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
    • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
    • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
  • Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
  • Tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

  • Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.
  • Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
  • Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

Thời hạn bảo hộ quyền là khoảng thời gian mà tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có thể thu được những quyền và lợi ích hợp pháp từ việc khai thác tác phẩm. Theo công ước Berne, thời hạn tối thiểu bảo hộ quyền tác giả là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời (chỉ đối với tác phẩm văn học – nghệ thuật).

Ở Việt Nam, Điều 19, Điều 20 và Điều 27 của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả như sau:

  • Bảo hộ vô thời hạn đối với quyền nhân thân không gắn với tài sản của tác giả bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác xuyên tạc, không có người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
  • Bảo hộ có thời hạn đối với quyền nhân thân gắn với tài sản (quyền công bố tác phẩm hoặc cho người khác công bố tác phẩm) và quyền tài sản, cụ thể:
    • Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh: Thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên;
    • Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình: Thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.
    • Đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện: Thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả: Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
    • Đối với các tác phẩm thộc loại hình khác: có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả: Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
    • Thời hạn bảo hộ quy chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
  • Sau khi chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả thì tác phẩm sẽ thuộc về công chúng.

Giấy phép Creative Commons (CC) là gì?

Giấy phép Creative Commons là một công cụ pháp lý đã được tiêu chuẩn hóa và điều chỉnh phù hợp với luật quốc gia để sử dụng chung, miễn phí và đơn giản nhất cho Cộng đồng Sáng tạo. Giấy phép Creative Commons tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả chia sẻ các tác phẩm của mình với người sử dụng nhằm thúc đẩy sự sáng tạo trong Cộng đồng Sáng tạo. Việc chia sẻ theo Giấy phép Creative Commons giúp các tác phẩm ngày càng phong phú hơn, hoàn thiện hơn góp phần làm giàu kho tàng trí thức văn học, khoa học và nghệ thuật của đất nước và của nhân loại. Đồng thời Giấy phép Creative Commons cũng giúp tác giả đưa tác phẩm của mình đến với công chúng nhanh nhất thông qua mạng lưới website của Tổ chức Creative Commons, trong khi vẫn nắm giữ được các quyền mà tác giả muốn bảo lưu.

Các loại giấy phép xuất bản mở Creative Commons (CC)

Có 6 loại giấy phép xuất bản mở Creative Commons (CC):
Ghi công (BY)

Đây là yêu cầu bắt buộc trong tất cả các loại giấy phép CC. Giấy phép loại này cho phép người sử dụng sao chép, chỉnh sửa, pha trộn và chia sẻ nội dung tác phẩm gốc cho cả mục đích phi lợi nhuận lẫn thương mại, miễn là phải thừa nhận sự ghi công theo yêu cầu của tác giả.

Ghi công (BY)-Chia sẻ tương tự (SA)

Bao gồm tất cả các quyền như Giấy phép Ghi công nhưng yêu cầu tác phẩm phái sinh phải được cấp phép theo những điều kiện giống như trong tác phẩm gốc.

Ghi công (BY)-Không phái sinh (ND)

Chỉ cho phép sao chụp, chia sẻ tác phẩm ở dạng nguyên vẹn (không được thay đổi hình thức và nội dung tác phẩm gốc) cho mục đích phi lợi nhuận lẫn thương mại.

Ghi công (BY)-Phi thương mại (NC)

Chỉ cho phép người sử dụng sao chép, chỉnh sửa, pha trộn và chia sẻ nội dung tác phẩm gốc cho mục đích phi lợi nhuận.

Ghi công (BY)-Phi thương mại (NC)-Chia sẻ tương tự (SA)

Bao gồm tất cả các quyền như Giấy phép Ghi công (BY) - Chia sẻ tương tự (SA) nhưng giới hạn chỉ được sử dụng tác phẩm cho mục đích phi lợi nhuận.

Ghi công (BY)-Phi thương mại (NC)-Không phái sinh (ND)

Bao gồm tất cả các quyền như Giấy phép Ghi công (BY) - Không phái sinh (ND) nhưng giới hạn chỉ được sử dụng tác phẩm cho mục đích phi lợi nhuận.

  • Cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả) có thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi, huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 51 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
  • Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp phí, lệ phí khi tiến hành các thủ tục liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan cho Cục Bản quyền tác giả theo quy định pháp luật.
  • Các mẫu đơn đăng ký, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL.