Là một cây bút khoa học, cách mà Ken Watanabe đặt vấn đề cho tác phẩm của mình là đi thẳng vào thực tế. Ông chỉ ra 4 kiểu người tiêu biểu của cuộc sống: Người hay than thở; người hay phê bình; người mộng mơ và người dám nghĩ, dám làm. Mỗi kiểu người đều có đặc trưng tính cách riêng. Tuy nhiên, không đi vào con người, tác giả đưa ra những tình huống cụ thể, phát sinh từ những kiểu người ấy để người đọc hình dung phương pháp tư duy để tìm ra nguồn gốc của vấn đề. Sau đó là cách giải quyết.
Câu hỏi mà độc giả thấy nhiều nhất trong tác phẩm này: Đâu là nguyên nhân chính của vấn đề? Truy từ gốc, Ken Watanabe đưa độc giả đến sơ đồ phác thảo toàn bộ vấn đề mình gặp phải. Trên cây sơ đồ cụ thể, lý tính và khoa học ấy, người đọc có thể phát hiện được chỗ sai trong toàn bộ quy trình diễn tiến sự việc. Từ đó, cách giải quyết vấn đề cũng hiện ra hết sức rõ nét.
Cậu bé Albert muốn học vẽ đồ họa, nhưng cậu ta không có mày tính. Kiwi muốn đến trại bóng đá ở Brazil, nhưng cô bé không có đủ tiền. Ba người bạn thân gồm Rad, Ritta và Remi muốn thành lập một ban nhạc rock, nhưng lại chẳng có ai đến xem họ trình diễn... Tất cả những tình huống mà Ken Watanabe đưa ra trong tập sách rất gần, rất đời sống. Theo dõi quá trình những nhân vật này giải quyết vấn đề của mình, người đọc sẽ bớt dành thời gian lo nghĩ về những điều tồi tệ, chọn được cách tư duy khoa học ứng dụng vào đời sống để dễ dàng bước qua sai lầm, tiến đến thành công.
Đó cũng chính là lý do tập sách cũng như cái tên Ken Watanabe nhanh chóng trở thành bạn đồng hành của những người trẻ trên hành trình tìm kiếm kỹ năng để hoàn thiện bản thân.