Trong những phần trước, Thư viện đã giới thiệu đến các bạn một số phương thức để phát triển thói quen đọc sách (P1) và xác định được những nội dung cần đọc (P2). Bước tiếp theo chính là việc chúng ta cần phải tự tạo cho mình ý thức và thói quen đọc sách lâu dài.
Nếu các bạn vẫn chưa tập được cho bản thân thói quen bổ ích này, hãy thử những gợi ý sau nhé!
1. Tham gia đọc sách tình nguyện.
Các trường học, nhà dưỡng lão, trại cải huấn và thậm chí nhà trú ẩn cho người vô gia cư đều hoan nghênh những tình nguyện viên đến đọc sách. Hoạt động đọc sách tình nguyện là một công việc quan trọng vì:
Không phải đứa trẻ nào cũng được hưởng thời gian tập thói quen đọc sách cùng cha mẹ. Trong các gia đình đơn thân có nhiều con, người cha hoặc người mẹ không có khả năng hỗ trợ những đứa trẻ gặp khó khăn. Hoạt động tình nguyện nghĩa là bạn có thể giúp hình thành tương lai học vấn và triển vọng nghề nghiệp cho một đứa trẻ.
Không phải người lớn nào cũng có khả năng đọc. Vì nhiều nguyên nhân, có những người không được học chữ cho đến khi bước vào tuổi trưởng thành bị tước đi triển vọng nghề nghiệp và khả năng sống độc lập. Là một tình nguyện viên đọc sách cho người lớn, bạn có thể tác động tích cực đến cuộc sống và lòng tự trọng của những người cần được giúp đỡ.
Bạn có thể tạo nề nếp học lâu dài. Với những người già có vấn đề về thị lực, việc đọc sách có thể không còn là một lựa chọn thích hợp. Đặc biệt nếu họ là người ham đọc sách khi còn trẻ thì việc có một người đến và đọc sách cho họ nghe không chỉ là một trải nghiệm học hỏi, mà qua đó họ còn nhận được sự ấm áp, tình bầu bạn và cơ hội trao đổi kiến thức.
Một số cộng đồng có thể có chương trình tình nguyện giúp thu âm sách giáo khoa và các tài liệu viết khác dành cho người mù hoặc người mắc chứng khó đọc.
2. Khởi xướng hoặc tham gia chương trình trao đổi sách.
Tìm trên mạng qua các nguồn như paperbackswap.com, hoặc tìm một hiệu sách cũ trong khu bạn ở có tham gia chương trình trao đổi sách.
Đặc biệt nếu bạn thích đọc tiểu thuyết hư cấu, tiểu thuyết lãng mạn hoặc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, việc trao đổi sách là một cách ít tốn kém để lấp đầy kệ sách của bạn.
3. Tham gia hội sách.
Bạn muốn tìm hiểu về các tác giả mới hay gặp gỡ các tác giả bạn đã biết? Các ngày hội sách là một cơ hội tuyệt vời cho cả hai hoạt động đó. Ngoài ra, bạn còn có những lợi ích khác nữa khi đến với hội sách:
Mua sách giảm giá. Các nhà xuất bản sách và nhà bán lẻ đến hội sách và thường có chương trình giảm giá cho những cuốn sách của các tác giả có mặt trong ngày hội sách.
Xin chữ ký. Đặc biệt nếu các tác giả có sách vừa được xuất bản, họ thường được mời đến hội sách để quảng cáo. Bạn có thể tận hưởng cảm giác thích thú với các chữ ký và còn có thể làm “của để dành”.
Được nghe đọc sách. Các ngày hội sách thường mời các tác giả khách mời đọc một số đoạn trong các tác phẩm mới ra của họ hoặc điều khiển chương trình đọc sách cho mọi người nghe để truyền cảm hứng hoặc để tưởng nhớ các tác giả tài danh.
4. Viết blog đọc sách.
Blog đọc sách là một cách rất tốt để ghi nhớ các cuốn sách bạn thích, viết phê bình cho những cuốn sách mà bạn không thích và theo dõi những sách đã đọc. Thêm vào đó, một blog đọc sách còn có thể:
Giúp bạn gặp gỡ mọi người. Đưa các bài viết của bạn ra công chúng và đem lại sự thích thú cho những người tình cờ ghé thăm blog, thậm chí bình luận cho các suy nghĩ của bạn.
Tập luyện viết lách. Đọc và viết là hai mặt của một đồng tiền. Khả năng viết tốt, thậm chí bắt chước phong cách viết văn mà bạn yêu thích là một bài thực hành tốt. Nó còn đòi hỏi bạn phải trở thành người biên tập cho chính mình khi đọc lại những gì đã viết để đảm bảo chất lượng và độ chính xác của bài viết.
5. Học đọc bằng ngôn ngữ khác.
Nếu đã thích thú với việc đọc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn hãy thử chọn học một ngôn ngữ mới. Bạn có thể bắt đầu đọc với ngôn ngữ mới bằng cách:
Mua từ điển về ngôn ngữ đã chọn. Tìm ở thư viện hoặc mua ở hiệu sách.
Bắt đầu học bằng sách dành cho trẻ em. Sách cho trẻ nhỏ mới đi học thường gồm các đoạn đơn giản, dễ hiểu, dùng từ vựng cơ bản liên quan đến những sự kiện trong đời sống thông thường và dễ dịch. Bắt đầu từ mức cơ bản là cách để bạn chuẩn bị cho các bài đọc cao hơn.
Chọn bản dịch thơ. Chọn một bài thơ nổi tiếng của ngôn ngữ bạn đã chọn để học và tìm sách có bản gốc của ngôn ngữ đó, đồng thời tìm bản dịch ra tiếng mẹ đẻ. Đọc chậm và cẩn thận, so sánh bản dịch và bản gốc. Xem các khái niệm được dịch ra kèm theo ngôn ngữ được sử dụng để diễn tả các khái niệm đó. Đó là một cách hiệu quả để bạn không chỉ hiểu được một ngôn ngữ mới mà còn biết thêm một nền văn hóa mới.
Nguồn tham khảo: Wikihow