MỤC ĐÍCH & ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Cung cấp cho cộng đồng người sử dụng của TDTU một số thông tin ngắn gọn và hướng dẫn nhanh về quyền tác giả và quyền liên quan để nhận diện các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; từ đó tránh vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan trong quá trình sử dụng tài liệu tại Thư viện.
Đối tượng áp dụng là Cộng đồng người sử dụng của TDTU, bao gồm: giảng viên, viên chức, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên có sử dụng tài liệu tại Thư viện.
ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN, CÁN BỘ HƯỚNG DẪN VÀ CÁN BỘ GIẢNG DẠY
Theo Điều 25 của Luật Sở hữu Trí tuệ hiện hành và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
Tự sao chép
- Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại
- Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị có chức năng sao chép (chụp hình, photocopy, scan, in ấn,…)
- Chỉ áp dụng đối với tài liệu mà Thư viện TDTU có sở hữu một bản sao tài liệu dạng in/dạng điện tử hoặc đăng ký vào cơ sở dữ liệu chứa tài liệu điện tử đó
Sao chép bằng thiết bị sao chép
Bản in
- 10% tổng số trang của tài liệu
- Hành vi sao chép hợp lý bằng thiết bị sao chép phải là hành vi độc lập với từng tổ chức, cá nhân thực hiện và nếu có sự lặp lại thì đó là các trường hợp riêng lẻ không liên quan đến nhau trên cùng một tác phẩm.
- Chỉ áp dụng đối với tài liệu mà Thư viện TDTU có sở hữu một bản sao tài liệu dạng in.
- Hình thức sao chép: photocopy, chụp hình, scan.
Bản điện tử
- 10% tổng số trang của tài liệu
- 10% tổng đơn vị lưu trữ (bytes), tổng số từ của ấn bản, độ dài của ấn bản đối với tác phẩm được cung cấp dưới dạng ấn bản điện tử không chia trang.
- Hành vi sao chép hợp lý bằng thiết bị sao chép phải là hành vi độc lập với từng tổ chức, cá nhân thực hiện và nếu có sự lặp lại thì đó là các trường hợp riêng lẻ không liên quan đến nhau trên cùng một tác phẩm.
- Chỉ áp dụng đối với tài liệu mà Thư viện TDTU sở hữu một bản sao tài liệu dạng điện tử hoặc đăng ký vào cơ sở dữ liệu chứa tài liệu điện tử đó.
- Hình thức sao chép: chụp hình, in ấn.
Minh họa trong bài giảng
Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, cuộc biểu diễn chưa được định hình nhằm mục đích giảng dạy quy định tại điểm c Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Việc sử dụng tác phẩm để minh họa trong bài giảng, cuộc biểu diễn chưa được định hình phải đảm bảo chỉ sử dụng trong phạm vi buổi học của cơ sở giáo dục và chỉ người học, người dạy trong buổi học có thể tiếp cận tác phẩm.
Trường hợp sử dụng tác phẩm trong đề thi, đáp án kiểm tra kiến thức, kỹ năng trong hệ thống giáo dục quốc dân thì có thể sử dụng theo mức độ cần thiết
- Việc sử dụng tác phẩm không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong ấn phẩm, cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải trong phạm vi cơ sở giáo dục và phải áp dụng tương tự các điều kiện theo quy định tại Điều 28 của Nghị định 17/2023/NĐ-CP về trích dẫn hợp lý tác phẩm phẩm, cụ thể:
- Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cấp trong tác phẩm của mình.
- Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.
- Việc trích dẫn phải kèm theo chỉ dẫn về nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu tên tác giả được nêu trên tác phẩm sử dụng để trích dẫn.
Trường hợp tài liệu do cá nhân giảng viên biên soạn và tác giả là chủ sở hữu quyền duy nhất đối với tác phẩm:
- Tác giả có đủ quyền để được đăng bất kỳ hệ thống nào.
- Nếu thông qua Thư viện Trường thì việc đăng tải tài liệu là đúng quy định khi tác giả đồng ý bằng văn bản cho việc sử dụng bản sao của tác phẩm.
- Nếu có đồng tác giả thì phải có sự đồng ý của các tác giả còn lại.
- Tác giả có cam kết nào khác với các bên có liên quan hay không? ví dụ: Nhà xuất bản, Cơ quan chủ quản, Tạp chí,…
- Việc trả tiền nhuận bút, thù lao do thỏa thuận của các bên.
Trường hợp tài liệu do tập thể Khoa/Bộ môn/Trung tâm biên soạn:
- Nếu tác phẩm do Trường là chủ sở hữu quyền duy nhất, do Trường giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc ký kết hợp đồng với tác giả thì giảng viên có quyền đăng tải tài liệu, tuy nhiên:
- Nhà trường và tác giả/đồng tác giả đồng ý bằng văn bản cho việc sử dụng bản sao của tác phẩm.
- Tài liệu được số hoá và đăng bản điện tử tại Thư viện Trường.
- Nếu tác phẩm không phải do Trường là chủ sở hữu quyền mà do tổ chức, cá nhân khác giữ quyền sở hữu thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân đó. Việc trả tiền bản quyền do thoả thuận của các bên.
- Lợi ích kinh tế của tác giả, chủ sở hữu quyền, đặc biệt là việc phân quyền cho phép sinh viên xem trực tuyến hay được phép tải về.
- Tác giả có cam kết nào khác với các bên có liên quan hay không, ví dụ: Nhà xuất bản, Cơ quan chủ quản, Tạp chí,…
Trường hợp tài liệu không phải do cá nhân giảng viên, tập thể giảng viên Khoa/Bộ môn/Trung tâm biên soạn:
Việc đăng tải tài liệu lên bất kỳ hệ thống nào, toàn bộ hay một phần của tác phẩm cũng đều được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành nếu như không xin phép.
Theo khoản 1, Điều 12a Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành xác định: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả”; Khoản 2, Điều 12a của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng xác định rõ: “Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả”.
Như vậy, đối với giảng viên hướng dẫn, mặc dù có thể được nêu tên trong đề tài luận văn/khóa luận/đồ án tốt nghiệp hay công trình khác của sinh viên, nhưng dưới góc độ pháp luật, họ được xem là những người “hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm” nên không được xem là tác giả hay đồng tác giả. Nguyên tắc này được áp dụng bất kể sự góp ý, hỗ trợ góp phần bao nhiêu và quan trọng như thế nào vào việc hoàn thành tác phẩm. Nói cách khác, dưới góp độ pháp luật về bản quyền, giảng viên hướng dẫn không có quyền tác giả đối với luận văn/khóa luận/đồ án tốt nghiệp hay công trình khác do sinh viên được giảng viên hướng dẫn thực hiện mặc dù dưới góc độ khoa học, giảng viên hướng dẫn có thể là người liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính khoa học của luận văn đó.
ĐỐI VỚI NGHIÊN CỨU SINH, HỌC VIÊN, SINH VIÊN (GỌI CHUNG LÀ NGƯỜI HỌC)
Người học cần phải biết và tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật liên quan đến bản quyền/quyền tác giả để tránh các hành vi xâm phạm quyền tác giả thường xảy ra như: nhân bản, sử dụng và phân phối các bản sao chép lậu từ tài liệu gốc mà không xin phép, không trích dẫn nguồn trong nghiên cứu khoa học, ghi âm/chụp hình bài giảng của giảng viên trên lớp,…
“Đạo văn là việc sử dụng ngôn ngữ, ý tưởng, cách thức tổ chức, tranh ảnh, số liệu, các sáng tạo, sáng chế… hay các dạng sản phẩm của người khác dưới tên của mình; nó bao gồm cả sở hữu trí tuệ cá nhân và sở hữu tư liệu cộng đồng; nó bao gồm các hình thức mua bài báo, cắt dán từ nguồn Internet, không dùng dấu ngoặc kép khi trích dẫn trực tiếp, viết lại ý tưởng của người khác mà không trích dẫn nguồn, thuê người khác viết bài hoặc một phần bài/ công việc và công bố nó dưới tên của mình” (Liddell, 2003, Tr. 49).
Có 02 loại đạo văn là đạo văn theo nghĩa đen và đạo văn thông minh. Đạo văn theo nghĩa đen là việc sao chép văn bản toàn bộ hoặc một phần, hoặc sao chép bằng cách chèn hoặc xóa, tách và nối các câu thay thế hoặc đổi thứ tự các câu. Đạo văn thông minh là sử dụng ý tưởng, dịch thuật, tóm tắt hoặc diễn giải nội dung của văn bản ((Alzahrani, 2012).
Một khảo sát của Maurer và cs. (2006) đã tổng hợp và trình bày về các cách thức đạo văn phổ biến như sau:
- Đạo văn cắt – dán: là sao chép nguyên văn từng chữ trong nội dung văn bản
- Đạo văn dịch: là dịch bài báo, sách, câu/đoạn văn từ ngôn ngữ khác nhưng không ghi rõ nguồn.
- Đạo văn ý tưởng: là sử dụng khái niệm hoặc ý kiến của người khác mà không trích dẫn nguồn. Viết lại văn bản là viết lại ý tưởng, nội dung văn bản của người khác mà không trích dẫn nguồn.
- Đạo văn tác phẩm nghệ thuật: là thể hiện ý tưởng của người khác bằng các công cụ truyền thông khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video…
- Trích dẫn nguồn cụ thể nhưng không đính kèm đường dẫn dẫn đến nguồn tài liệu. Trích dẫn trực tiếp nhưng không để dấu ngoặc kép. Trích dẫn sai nguồn tài liệu hay nội dung không có trong tài liệu gốc (Hermann Maurer, 2006).
Theo Lafollette xác định việc cấu thành đạo văn khi có bất kỳ một trong bốn yếu tố sau:
- Việc sử dụng từ, văn bản, ý tưởng hoặc hình ảnh minh họa chưa được phân bổ được tạo ra bởi một người khác mà không phải là tác giả được liệt kê.
- Việc không ghi nhận tác giả gốc bằng cách truyền đạt phù hợp.
- Hàm ý người đạo văn là tác giả gốc.
- Không có sự đồng ý của tác giả gốc.
Theo Điều 25 của Luật Sở hữu Trí tuệ hiện hành: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
Tự sao chép
- Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại
- Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị có chức năng sao chép (chụp hình, photocopy, scan, in ấn,…)
- Chỉ áp dụng đối với tài liệu mà Thư viện TDTU có sở hữu một bản sao tài liệu dạng in/dạng điện tử hoặc đăng ký vào cơ sở dữ liệu chứa tài liệu điện tử đó
Sao chép bằng thiết bị sao chép
Bản in
- 10% tổng số trang của tài liệu
- Hành vi sao chép hợp lý bằng thiết bị sao chép phải là hành vi độc lập với từng tổ chức, cá nhân thực hiện và nếu có sự lặp lại thì đó là các trường hợp riêng lẻ không liên quan đến nhau trên cùng một tác phẩm.
- Chỉ áp dụng đối với tài liệu mà Thư viện TDTU có sở hữu một bản sao tài liệu dạng in.
- Hình thức sao chép: photocopy, chụp hình, scan.
Bản điện tử
- 10% tổng số trang của tài liệu
- 10% tổng đơn vị lưu trữ (bytes), tổng số từ của ấn bản, độ dài của ấn bản đối với tác phẩm được cung cấp dưới dạng ấn bản điện tử không chia trang.
- Hành vi sao chép hợp lý bằng thiết bị sao chép phải là hành vi độc lập với từng tổ chức, cá nhân thực hiện và nếu có sự lặp lại thì đó là các trường hợp riêng lẻ không liên quan đến nhau trên cùng một tác phẩm.
- Chỉ áp dụng đối với tài liệu mà Thư viện TDTU sở hữu một bản sao tài liệu dạng điện tử hoặc có mua quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu chứa tài liệu điện tử đó.
- Hình thức sao chép: chụp hình, in ấn.
Các loại hình tác phẩm người học tạo ra trong các trường đại học
Các loại hình tác phẩm người học có thể tạo ra trong quá trình học tập và nghiên cứu tại Trường đại học gồm có: luận án, luận văn, tiểu luận, bài báo cáo, hoặc các tác phẩm viết trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, bài báo khoa học,…Ngoài ra, tại một số trường đại học có đào tạo về ngành nghề đặc thù hay ngành nghề năng khiếu, người học còn tạo ra các loại hình tác phẩm khác như tác phẩm âm nhạc, tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu, tác phẩm kiến trúc, tác phẩm báo chí, chương trình máy tính,…
Xác định tư cách và nội dung quyền tác giả của tác phẩm do người học tạo ra trong một số trường hợp do Luật thiết lập mặc định
Người học tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ học tập
- Khi người học tạo ra một tác phẩm theo nhiệm vụ học tập tại một trường đại học như: một bài luận cuối năm học, một luận văn hoặc khóa luận/đồ án tốt nghiệp,…theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì trường đại học đó sẽ là “chủ sở hữu quyền tác giả”, nắm giữ quyền công bố tác phẩm và các quyền tài sản khác. Còn người học là “tác giả” của tác phẩm do mình tạo ra, tuy nhiên, họ chỉ nắm giữ một số quyền nhân thân. Căn cứ pháp lý cho việc xác định này là Khoản 1, Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, theo đó, trong trường hợp tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình, thì khi tác phẩm được tạo ra, tổ chức đó là chủ sở hữu các quyền tác giả và quyền công bố tác phẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Áp dụng quy định này, trường đại học sẽ là bên “giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm” cho “người thuộc tổ chức mình – tức người học, và khi tác phẩm được tạo ra, quyền tác giả thuộc về trường đại học.
- Tuy nhiên việc xác định các tư cách như trên chỉ là “mặc định” của luật, nghĩa là nó chỉ đúng khi không có thỏa thuận nào khác giữa các bên có liên quan. Điều này nghĩa là nếu người học có thỏa thuận khác với Trường hoặc bên thứ ba bất kỳ, thì tư cách nắm giữ các quyền sẽ thay đổi tùy thuộc vào nội dung của các thỏa thuận đó.
Người học tự tạo ra tác phẩm bằng sự đầu tư cá nhân, không thuộc phạm vi nhiệm vụ học tập
- Trong trường hợp khi một người học tự mình tạo ra một tác phẩm trong quá trình học tập tại trường, và hoạt động sáng tạo này không thuộc phạm vi của một môn học nào trong chương trình đào tạo của nhà trường, hoặc chỉ được khuyến khích trong quá trình học để có thể được đánh giá cao hơn trong các kì thi,.. thì người học là tác giả và là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do mình tạo ra.
- Theo Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định rằng: “Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20”. Như vậy, khi người học tự mình sử dụng thời gian, công sức và chi phí để tạo ra tác phẩm, thì sinh viên đó sẽ nắm giữ trọn vẹn quyền tác giả liên quan đến tác phẩm do mình tạo ra.
- Cần lưu ý trong trường hợp người học có thỏa thuận khác với trường đại học hoặc bên thứ ba bất kỳ, thì tư cách nắm giữ các quyền sẽ thay đổi tùy thuộc vào nội dung của các thỏa thuận đó. Ví dụ: người học cùng với một giảng viên của trường cùng hợp tác viết bài báo khoa học và được đăng trên một tạp chí khoa học. Như vậy, quyền tác giả đối với bài báo đó có thể được xác định cho cả hai người với tư cách đồng tác giả.