Chiến tranh, ơi chiến tranh.
Nhắc về sự tàn khốc của chiến tranh, có lẽ trong đầu mọi người đều hiện lên một bức tranh màu đỏ. Chiến trường khói lửa, máu chảy thành dòng, xác người chất chồng, bom đạn như mưa. Lửa rực cháy le lói rồi bập bùng. Lửa lụi tàn để lại than hồng nóng rát; in lên trên đất nước một vết sẹo dữ tợn khó có thể xóa mờ.
Tà Dương của Dazai Osamu không chỉ thuật lại nỗi đau khắc khoải của “Tà dương tộc” mà còn lột tả rõ ràng tâm thức tan hoang của toàn Nhật Bản thời hậu chiến. “Sống hay không sống?” là vấn đề cốt lõi của tác phẩm. Và, đớn đau làm sao, trong cái thời đại hỗn loạn đầy những biến động ấy, “sống” hay “không sống” đều là bi kịch cả. Cái tầm thường bức tử cái cao nhã, dư âm của chiến tranh vô nghĩa cũng ăn mòn, giết chết những nạn nhân khốn khổ. “Tà Dương” mang theo mình cái nỗi buồn vạn kỷ, khóc than cho những nạn nhân khốn khổ vẫy vùng trong vũng lầy thực tại; khóc cho những giá trị truyền thống và cái cao nhã đang chết dần trong ánh tịch dương sắp tàn, u hoài và buồn bã, nhưng cũng đẹp đến nao lòng. Đấy là những tia nắng rực rỡ cuối cùng của một thời vàng son xa vắng; cũng là sự khởi đầu cho một thời đại sắp lên ngôi.
- Nhan đề : Tà Dương
- Tác giả : Dazai Osamu
- Nhà xuất bản : Hội Nhà Văn
- Năm xuất bản : 2022