Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã chủ động thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và giảng dạy với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục trong Nhà trường. Trong đó, để phát triển nguồn học liệu số phục vụ cho việc dạy và học, từ năm học 2018-2019, TDTU đã đẩy mạnh việc sản xuất học liệu video bài giảng có khả năng thay thế một phần hoặc toàn bộ nội dung giảng dạy, hoặc có thể sử dụng cho các mục đích tham khảo, tự học của sinh viên.
Trong năm học 2023-2024, TDTU bắt đầu triển khai xây dựng các video bài giảng phục vụ cho mô hình giảng dạy ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, Nhà trường còn chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng số và năng lực số cho đội ngũ giảng viên để áp dụng các cộng cụ số trong thiết kế các hoạt động dạy và học. Trong bối cảnh đó, Thư viện truyền cảm hứng đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng xây dựng video bài giảng cho giảng viên” vào ngày 07/4/2024 với sự tham gia của đội ngũ giảng viên thuộc 20 Khoa/Bộ môn/Trung tâm của Nhà trường dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Lớp tập huấn được triển khai dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ – Đạo diễn – Biên kịch Hoàng Duẩn: Phó trưởng khoa Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh và các cộng sự nhằm mục đích trang bị thêm kỹ năng và kinh nghiệm cho giảng viên của TDTU trong xây dựng và sản xuất các video bài giảng, bao gồm: Hướng dẫn biên soạn kịch bản, kỹ năng nói trước ống kính, kỹ năng diễn xuất trước ống kính và công tác xử lý kỹ thuật hậu kỳ, cụ thể:
Về Công tác xây dựng kịch bản: Với vốn kinh nghiệm phong phú về xây dựng kịch bản cho nhiều chương trình sân khấu chuyên nghiệp, Tiến sĩ Hoàng Duẩn và các cộng sự đã tập trung hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để giảng viên thể hiện được ý tưởng bài giảng của mình trên kịch bản một cách đầy đủ và hiệu quả cho các video bài giảng. Theo đó, các yếu tố cốt lõi để có kịch bản tối ưu nhất chính là cấu trúc rõ ràng, nội dung hấp dẫn và các kỹ thuật truyền tải nội dung giảng dạy hiệu quả.
Về Kỹ năng diễn xuất trước ống kính: Đạo diễn - Biên kịch Ngô Minh Trọng đã hướng dẫn về phương pháp thể hiện ngôn ngữ hình thể, cách phát âm, biểu cảm giọng nói, cách thể hiện tương tác với người học khi thực hiện ghi hình.
Về Công tác hậu kỳ: Nhân sự kỹ thuật chịu trách nhiệm sản xuất video bài giảng tại Studio được đội ngũ cộng sự của Tiến sĩ Hoàng Duẩn hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến xử lý hậu kỳ như chỉnh sửa video, bổ sung hình ảnh, hiệu ứng để tối ưu hóa nội dung video bài giảng.
Cuối chương trình tập huấn, Tiến sĩ Hoàng Duẩn và các cộng sự đã thực hiện ghi hình trực tiếp video bài giảng mẫu tại phòng Studio để sử dụng làm tư liệu tham khảo cho việc xây dựng và sản xuất video bài giảng của giảng viên.
Chương trình tập huấn “Kỹ năng xây dựng video bài giảng” là một trong những nội dung của kế hoạch “Nâng cao chất lượng video bài giảng năm học 2023-2024” của Nhà trường nhằm phát triển nguồn học liệu số video bài giảng đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập trong giai đoạn chuyển đổi số của Nhà trường.
Hình ảnh: