Một trong những mục tiêu mà Giải thưởng Sách Quốc gia hướng đến là lựa chọn, tôn vinh những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ, góp phần vào nâng cao dân trí.
Sách Quốc gia đang là giải thưởng lớn, uy tín bậc nhất về sách tại nước ta hiện nay. Trước thềm lễ trao giải mùa thứ ba (sẽ diễn ra vào tối 9/10), ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - đánh giá về ý nghĩa của giải thưởng.
Khi xây dựng Giải thưởng Sách Quốc gia, mục tiêu chiến lược mà Giải hướng đến là gì?
- Theo đề án được thủ tướng phê duyệt, đây là giải thưởng cấp quốc gia, được tổ chức và trao giải hàng năm, nhằm trao cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận hoặc giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực.
Từ đó, Giải thưởng khuyến khích, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng định hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập.
Từ mục tiêu tổng quát trên, Giải thưởng Sách Quốc gia được trao hàng năm hướng đến 4 mục tiêu cụ thể gồm:
Thứ nhất, lựa chọn được những cuốn sách có chất lượng cao về tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ, góp phần vào nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thứ hai, động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm công tác nghiên cứu, sáng tác, biên soạn sách không chỉ sinh sống tại Việt Nam mà còn đang sống và làm việc tại nước ngoài. Đồng thời từ Giải thưởng này sẽ khích lệ các tác giả, nhất là tác giả trẻ quan tâm và tích cực sáng tác, nghiên cứu, tiến tới có những tác phẩm, tác giả mang tầm vóc khu vực và thế giới.
Thứ ba, động viên các nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành sách Việt Nam trong việc sàng lọc, truyền tải sách hay, sách tốt đến bạn đọc.
Thứ tư, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức, vai trò của người đọc đối với sách, góp phần quảng bá văn hóa đọc đến mọi tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội đối với việc tuyên truyền và thúc đẩy văn hóa đọc.
- Những mục tiêu nào của giải đã đạt được qua ba năm thực hiện?
- Có thể nói, với những đổi mới quan trọng trong điều lệ, quy chế giải thưởng và quy chế chấm giải, cả bốn mục tiêu trên đều đã được từng bước thực hiện qua các mùa giải.
Mặc dù diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, nhiều tháng cả nước thực hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba vẫn thu hút một lượng lớn các nhà xuất bản (NXB) tham gia (48/59 NXB trên cả nước, tăng 6 NXB so với Giải thưởng lần thứ hai) với 362 cuốn sách cho 255 tên sách.
Các Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo và Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đã làm việc khẩn trương, thận trọng, nghiêm túc, khách quan để lựa chọn được những cuốn sách tiêu biểu, có giá trị cao để trao giải.
|
Ông đánh giá thế nào về chất lượng sách dự giải năm nay? Điều đó có phản ánh diện mạo ngành xuất bản?
- Trên cơ sở hai vòng Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đã trao đổi và thảo luận kỹ trước khi biểu quyết thông qua các cuốn sách đoạt giải.
Kết quả: Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba đã thống nhất trao giải cho 27 cuốn sách, bộ sách, trong đó có 3 giải A, 10 giải B và 14 giải C.
Các cuốn sách, bộ sách đoạt giải được đánh giá là những tác phẩm giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao.
Theo đánh giá chung của hội đồng xét giải, ở Giải năm nay, các NXB có sự đầu tư công phu hơn hẳn các mùa giải trước. Mặt bằng chung chất lượng công trình dự thi tốt hơn. Hình thức sách đẹp và có nhiều kỹ thuật in ấn, đóng sách mới, hấp dẫn… Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của các NXB nhằm hoàn thiện hơn chất lượng các công trình sách trước khi giới thiệu tới độc giả.
Tuy vậy, vẫn còn hai mảng đề tài chưa có giải A. Điều này là bình thường đối với các giải thưởng, nhất là Giải thưởng Sách Quốc gia, luôn đặt yêu cầu chất lượng lên rất cao. Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo và Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia là những nhà khoa học tên tuổi, uy tín; với qui trình chấm chặt chẽ, thận trọng, khách quan.
Việc hai hạng mục trống giải A ít nhiều cho thấy, ở một số mảng đề tài, còn thiếu sách có chất lượng, cần được quan tâm, đầu tư hiệu quả hơn nữa cả từ phía những người nghiên cứu, sáng tác đến các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết và các chương trình đặt hàng của Nhà nước.
Giải thưởng rất cần được xã hội hóa, để khích lệ tác giả, người làm sách. Ông đánh giá thế nào về sự tham gia của một số doanh nghiệp đồng hành cùng Giải thưởng thời gian qua? Theo ông, làm thế nào để có thêm nhiều đơn vị đồng hành hơn với Giải thưởng?
- Việc xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đồng hành là một trong những nhiệm vụ được xác định ngay từ khi triển khai Giải thưởng lần thứ nhất. Tuy nhiên, bắt đầu từ giải thưởng sách lần thứ 2, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam, sự ủng hộ của doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Kết quả là từ giải thưởng sách lần thứ hai, giá trị phần thưởng ở các hạng mục giải tăng lên từ 4-5 lần.
Năm nay, dù có một số khó khăn khách quan nhưng giải vẫn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của nhiều doanh nghiệp. Giá trị phần thưởng được giữ với các mức giải A: 100 triệu đồng, B: 50 triệu đồng và C: 30 triêu đồng.
Dù giá trị phần thưởng đó còn khiêm tốn so với nỗ lực, công sức để có tác phẩm, công trình hay có giá trị, phục vụ bạn đọc, song tôi cho rằng nó cũng đem ý nghĩa động viên rất lớn, khẳng định, doanh nghiệp và xã hội ngày càng quan tâm hơn đến Giải thưởng sách và sau đó là văn hóa đọc.
|
|
Những cuốn sách đoạt giải đều là công trình, tác phẩm giá trị. Giải thưởng có hoạt động gì để quảng bá những giá trị ấy đến công chúng?
- Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao Giải thưởng sách lần thứ hai, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - có nhấn mạnh một trong những yêu cầu quan trọng của giải là: “Làm ra được những cuốn sách hay, những cuốn sách có giá trị là cả một nỗ lực, cố gắng, tâm huyết của rất nhiều người, nhưng để sách đến được với bạn đọc, lan tỏa và nhân lên những giá trị tri thức, những giá trị văn hóa trong đời sống xã hội lại còn là một yêu cầu, thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, cần phải có biện pháp để nâng tầm giá trị cho mỗi cuốn sách đoạt giải tương xứng với sự kỳ vọng của đông đảo bạn đọc; trở thành tài sản tinh thần quý giá trong mỗi gia đình và cộng đồng”.
Đây là chỉ đạo rất quan trọng và chúng tôi đang nỗ lực thực hiện tốt hơn trong mùa giải năm nay với một số yêu cầu như:
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền trước, trong và sau lễ trao giải.
Xây dựng kế hoạch triển lãm các cuốn được giải thưởng trong triển lãm, hội chợ (việc mà chúng tôi đã làm trong các hội chợ, triển lãm từ đầu năm 2020 đến nay).
Phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu sách hay, giá trị, trong đó có ưu tiên giới thiệu sách hay, giá trị được giải thưởng sách Quốc gia qua các mùa.
Kết hợp với một số nhân vật làm truyền thông mạng có nhiều bạn đọc theo dõi giới thiệu sách được giải đến bạn đọc.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang nghiên cứu, tính đến việc số hóa các sách được giải; đồng thời khuyến khích các nhà xuất bản số hóa sách được giải và phát hành nhằm lan tỏa mạnh hơn nữa, không chỉ cho bạn đọc trong nước mà còn cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế quan tâm đến Việt Nam.
Công việc khá bộn bề nhưng tôi tin với sự vào cuộc của toàn ngành xuất bản; sự ủng hộ của cộng đồng, Giải sẽ sớm thực hiện được yêu cầu mà đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo đã giao: “Trở thành một giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa văn nghệ”.
Nguồn: Zing news